Nếu như toàn bộ lượng băng ở 2 bán cầu tan chảy thì điều gì sẽ xảy ra?
Chúng ta đều biết rằng phải đến 99% lượng băng trên Thế Giới nằm ở 2 cực của Trái Đất, Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu. Lượng băng này là một nguồn dự trữ nước ngọt vô cùng lớn. Ngày nay, do sự nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học luôn nhắc tới vấn đề băng tan ở hai cực. Mỗi người đều nhận thức được rằng, đây là hậu quả do con người gây ra, tác động vào thiên nhiên và thiên nhiên sẽ phản ứng lại.
Tuy nhiên, không phải dễ gì mà một sớm một chiều có thể làm tan hết toàn bộ lượng băng trên Trái Đất, việc này phải mất tới hàng ngàn năm. Vậy bạn có bao giờ tưởng tượng nếu như sau một đêm bạn ngủ dậy và toàn bộ lượng băng ở 2 bán cầu tan chảy hết thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn đọc một số thông tin thú vị về điều này.
Mục lục
Các thành phố sẽ bị nhấn chìm trong biển nước
Trong khi ta ngủ, mực nước biển sẽ dâng cao lên một con số khổng lồ 66m. Các thành phố ven biển như New York, Thượng Hải và London sẽ bị nhấn chìm trong biển nước và làm cho 40% dân số chịu cảnh vô gia cư.
Xâm nhập mặn nghiêm trọng
Trong khi trên mặt đất đang hỗn loạn thì bên dưới mặt đất, lượng nước biển dâng cao. Điều này sẽ khiến các mạch nước ngầm bị nhiễm mặn. Nước mặn có thể đi vào các mạch nước ngầm sâu trong lục địa. Những mạch nước ngầm này chính là nguồn cung cấp nước ngọt cho con người phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và làm mát các nhà máy điện. Toàn bộ các hệ thống này sẽ sụp đổ.
Các dòng hải lưu sẽ bị xóa sổ
Chưa hết, băng ở Bắc và Nam Cực được tạo thành từ nước ngọt. Vì vậy khi nó tan chảy, 69% lượng nước ngọt trên thế giới đổ thẳng vào đại dương. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dòng hải lưu và thời tiết trên trái đất.
Ví dụ như dòng hải lưu Gulf Stream mang không khí ấm áp đến Bắc Âu. Nó hoạt động dựa vào dòng nước mặn đậm đặc từ Bắc Cực. Nhưng một lượng lớn nước ngọt từ băng tan sẽ khiến biển bị pha loãng làm suy yếu hoặc thậm chí xóa sổ luôn dòng hải lưu này. Và khi không có không khí ấm từ Gulf Stream nhiệt độ của Bắc Âu sẽ giảm mạnh và trở thành một kỷ băng hà thu nhỏ. Nhưng đây chưa phải điều tồi tệ nhất.
Đe dọa nhiễm độc DDT và nhiễm độc thủy ngân diện rộng
Một trong những mối đe dọa lớn nhất là các hóa chất DDT (Dichloro-Diphenyl-Trichloroethane) được tích trữ trong các con sông băng ở Himalaya trong nhiều thập kỷ. Mà một khi băng tan, chúng sẽ giải phóng lượng lớn hóa chất trên vào môi trường. Lượng hóa chất này sẽ đầu độc sông hồ và nguồn nước, đầu độc người dân.
Khối băng vĩnh cửu ở Bắc Cực là nơi tích trữ đến 56 triệu lít thủy ngân. Đây là một con số khổng lồ tương đương lượng thủy ngân hiện tại có trên Trái đất. Vì thủy ngân là nguyên tố kim loại cực độc nên việc lượng băng này tan chảy sẽ dẫn đến nhiễm độc thủy ngân nguy hiểm cả một khu vực rộng lớn.
Trái Đất sẽ trở nên khắc nghiệt hơn do hiệu ứng nhà kính
Không chỉ thế một lượng lớn khí CO2 và metan cũng có trong khối băng vĩnh cửu Bắc Cực. Nếu lượng khí này thoát ra ngoài có thể tăng gấp đôi lượng khí nhà kính trong khí quyển. Việc này có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên 3.5 độ C. Và nó sẽ khiến hàng loạt quốc gia trên thế giới hạn hán. Một lượng lớn hơi nước ở sông hồ bốc hơi cùng với khí hậu nóng sẽ là nguyên liệu hình thành các cơn bão thường xuyên hơn và mạnh hơn gấp nhiều lần, càn quét các quốc gia có đường bờ biển.
Xem thêm các bài viết khác tại đây.
Trích dẫn từ khoahoc.tv
Lê Sơn