Nhà mặt tiền ở Việt Nam và Mỹ có gì khác nhau?

Nhà mặt tiền ở Việt Nam và Mỹ có gì khác nhau?

Là một quốc gia châu Á, và có tư tưởng Á Đông, nên phần lớn người dân Việt Nam có lối suy nghĩ và tư duy khác hẳn với người phương Tây về việc mua bất động sản. Theo đó, người Việt Nam ưu thích hình thức tích lũy và đầu tư an toàn nên đa số người dân thường chọn mua các mảnh đắt hoặc nhà ở có mặt tiền. Dù là ở các thành phố lớn, thị trấn nhỏ, nông thôn hay miền núi thì người ta vẫn thích những căn nhà có mặt tiền hướng ra phố ; dù rằng giá của những căn nhà này không hề rẻ.

Lý do cho sự ưa chuộng nhà mặt phố này một phần là vì từ xa xưa người Việt ta đã có câu « nhà mặt phố, bố làm to » ; ý để chỉ mong ước về một cuộc sống ổn định ; một nơi có thể an cư lạc nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là vì nhà mặt tiền là một tài sản rất có giá trị ; nó không chỉ thuận lợi cho việc giao thông đi lại hay kinh doanh, làm ăn buôn bán ; mà nó còn như một thước đo thể hiện sự bản lĩnh, đẳng cấp và sự giàu có của chủ căn nhà ấy.

Chính vì thế mà giá nhà đất mặt tiền luôn cao ngất ngưởng, thậm chí là cao hơn rất nhiều so với thu nhập của người dân Việt Nam, nhưng lại vẫn rất « đắt hàng ». Điều này hoàn toàn trái ngược với thị trường bất động sản tại nước ngoài, điển hình là ở Mỹ.

Việt Nam và Mỹ – Hai thị trường trái ngược

Tại Mỹ

Người Mỹ chọn một căn nhà với mục tiêu duy nhất là để ở. Điều đó có nghĩa là căn nhà phải đảm bảo các yếu tố an toàn; an ninh; yên tĩnh; có tính riêng tư; môi trường sống trong lành. Một căn nhà ở gần đường, với tốc độ lái xe cho phép ở Mỹ, không thể đảm bảo được sự an toàn; và dĩ nhiên không thể nào yên tĩnh, riêng tư, trong lành với mật độ giao thông của những con đường lớn.

Tại Việt Nam

Thế nhưng ở Việt Nam, tiêu chí chọn nhà không như vậy. Người Việt, đặc biệt là những người sống ở những thành phố lớn; họ chấp nhận ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn như một điều hiển nhiên. Họ chọn những căn nhà càng gần đường càng tốt, để có được nhiều điều thuận tiện hơn.

Thuận tiện đầu tiên phải nói đến là giao thông đi lại. Việc di chuyển chắc hẳn ở gần đường sẽ thuận tiện hơn nhiều lần so với những căn nhà trong những ngõ ngách chật chội, khó đi; chưa kể việc đánh số nhà mới – cũ lẫn lộn. Thuận tiện tiếp theo là ứng cứu trong các trường hợp khẩn cấp. Những căn nhà gần đường sẽ dễ dàng được các cơ quan chức năng tiếp cận hơn là những căn nhà xa đường, trong những con hẻm nhỏ, không đủ để hai xe máy tránh nhau.

Ngoài những thuận tiện thì một lợi ích mà ai cũng biết của những căn nhà gần đường đem lại là lợi ích về kinh tế. Nếu có được một căn nhà gần những con đường lớn ở Việt Nam, chủ nhà thường nghĩ đến việc kinh doanh hoặc cho thuê một phần hay toàn bộ căn nhà của mình.

Quy hoạch đô thị – bài toán còn dang dở

Quy hoạch ở Việt Nam

Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, những căn nhà siêu mỏng; siêu méo; những ngõ nhỏ chỉ đủ một người đi bộ không phải là chuyện khó tìm. Đó là kết quả của quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu chuẩn.

Khi tắc đường trở thành nỗi ám ảnh của dân thành phố thì xu hướng người dân ngày càng muốn chen chúc vào mua nhà đất gần trung tâm. Điều này khiến đô thị ngày càng nén chặt và bài toán giao thông ngày càng nan giải. Vòng luẩn quẩn này rất khó gỡ nếu như thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn về giao thông và quy hoạch.

Bên cạnh xu hướng tiến vào trung tâm là câu chuyện chen ra mặt đường. Vừa ở vừa kinh doanh, nhất cử lưỡng tiện là điều ai cũng thấy. Tuy nhiên sự tiện lợi này cũng gây ra nhiều hệ lụy như: lấn chiếm vỉa hè; gây tắc đường cục bộ; đường phố nhếch nhác…

Việc di chuyển từ những những căn nhà trong khu vực hẻm hóc đến chỗ làm việc; trung tâm thương mại hay các cơ sở dịch vụ công ích; dĩ nhiên là khó hơn rất nhiều so với những căn nhà gần đường; do quy hoạch giao thông thiếu khoa học, thiếu đồng bộ. Vì vậy, giá một căn nhà ở gần đường cao hơn hẳn những vị trí xa đường là điều hiển nhiên ở Việt Nam.

Quy hoạch tại Mỹ

Ngược lại ở Mỹ, việc quy hoạch và tầm nhìn về quy hoạch hiệu quả hơn hẳn. Những con đường nội bộ trong các khu dân cư luôn đảm bảo đủ rộng cho hai ô tô có thể tránh nhau. Điều này giúp xe cảnh sát, cứu thương, cứu hỏa có thể tiếp cận dễ dàng khi cần. Trong mỗi khu dân cư đều được quy hoạch đầy đủ khu thương mại, và dịch vụ công ích đi kèm. Quy hoạch giao thông cũng rất khoa học và chỉn chu.

Rõ ràng, câu chuyện giá nhà mặt tiền trái ngược giữa Việt Nam và Mỹ chỉ là câu chuyện bề nổi. Đằng sau đó là nhiều vấn đề đặt ra đối với những người có trách nhiệm trong việc quy hoạch và phát triển đô thị ở Việt Nam.

>>> Xem thêm: Dự án Charm City Dĩ An nâng tầm nhờ tuyến đường ĐT 743 được mở rộng

Trích dẫn từ diaoconline.vn

Nguyễn Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *