Mưa đá – hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm và những điều bạn nên biết

Mưa đá – hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm và những điều bạn nên biết

Mưa đá – một hiện tượng thiên nhiên được coi là thảm họa do nó gây rất nhiều ảnh hưởng xấu tới nơi mà nó xảy ra. Mỗi năm chúng ta đều nghe báo chí đưa tin về các thiệt hại do mưa đá gây ra làm hư hại hoa màu, nhà cửa, làm chết các động vật thậm chí là cả con người. Không phải ngẫu nhiên mà người ta xem mưa đá là một trong những thiên tai nguy hiểm nhất bên cạnh bão, lũ.

Vậy mưa đá từ đâu mà hình thành, nó thường xuất hiện vào thời gian nào, kích thước lớn nhất của hạt mưa đá là bao nhiêu,… đây chắc hẳn là những câu hỏi mà không ít các bạn đọc thắc mắc. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin thú vị về hiện tượng thiên nhiên này.

Sự hình thành của mưa đá

Trong những đám mây lớn nhất (gọi là mây tích mưa hay mây vũ tích), phần không khí thuộc phần trên đám mây có nhiệt độ lạnh hơn và hơi nước ở đây đóng thành những hạt băng nhỏ. Những hạt băng này sẽ chuyển động xuống phần dưới và sau đó quay trở lại phần trên của đám mây, lặp đi lặp lại; mỗi lần như thế lớp đá quanh hạt băng lại dày thêm. Cho đến lúc đủ nặng những hạt đá này sẽ rơi xuống đất và tạo nên mưa đá.

Để một đám mây có thể tạo ra mưa đá là nhiệt độ phần đỉnh đám mây phải dưới -20oC; và phần lớn đám mây đều dưới nhiệt độ đóng băng (0 độ C). Kết hợp cùng giông bão sẽ tạo thành những cơn mưa đá lớn.

Mưa đá thường xuất hiện vào mùa hè

Mọi người thường nghĩ mưa đá sẽ xuất hiện vào mùa đông nhưng sự thật thì mùa hè mới là lúc dễ xảy ra mưa đá nhất. Bản chất mưa đá là do mất ổn định trong không khí khi hai luồng khí nóng, lạnh gặp nhau. Vì thế vào mùa hè khi có nhiều cột không khí nóng giàu năng lượng; điều này sẽ dễ tạo ra những đám mây dông xảy ra mưa đá hơn.

Ở một số nước khí hậu lạnh như Anh có những cơn mưa đá thường gặp vào mùa đông; đây không phải loại mưa đá mà mà chúng ta đang nói trong bài. Dân địa phương gọi những cơn mưa này là Graupel. Đây là loại mưa đá mềm; hình thành khi các giọt nước chậm đông kết hợp một lớp băng hoặc sương muối tạo thành hạt mưa. Mưa đá mềm được tạo ra tương tự tuyết và không gây hại như mưa đá cứng.

Kích cỡ của hạt mưa đá

Hạt mưa đá thường có đường kính từ 5 – 200mm, có thể bé như hạt đậu, hay to như quả trứng hoặc thậm chí là lớn bằng quả bưởi. Mỗi hạt mưa đá có thể nặng đến 1kg; nếu một số hạt dính lại với nhau thì có thể tạo thành khối 4kg.

Hạt mưa đá lớn nhất được ghi nhận ở Anh là tại vùng Horsham, West Sussex vào ngày 5/9/1958 nặng 142 gam.

Trong khi đó ở Mỹ, hạt mưa đá lớn nhất nặng đến 0,88kg và có đường kính lên tới 20cm. Hạt mưa này xuất hiện trong cơn mưa đá vào ngày 23/7/2010 ở Vivian, Nam Dakota.

Vận tốc của hạt mưa đá

Hạt mưa đá rơi với tốc độ cực nhanh nên nó không bị tan ra trước khi chạm đất. Một hạt mưa đá có kích thước của một quả bóng tennis (khoảng 75mm đường kính), nặng 150 gam có thể rơi với tốc độ 160km/h. Điều này lý giải tại sao cây trồng và nhà cửa bị tàn phá nặng nề chỉ sau vài phút mưa đá ngắn ngủi.

Mưa đá không chỉ gây thiệt hại đến tài sản, hoa màu mà còn có thể làm chết người. Vào năm 1888, đã có gần 250 người Ấn Độ thiệt mạng vì những cơn mưa đá.

Những “nhẫn băng” trong hạt mưa đá

Khi bạn cắt đôi hạt mưa đá, bạn có thể thấy những vật hình như cái nhẫn làm từ băng. Một số “nhẫn băng” màu trắng sữa, số khác lại màu trong suốt. Các lớp “nhẫn băng” đan xen nhau; bao nhiêu lớp thì bấy nhiêu số lần di chuyển lên xuống của hạt mưa đá trên đỉnh đám mây.

Xem thêm các bài viết khác tại đây.

Trích dẫn từ khoahocphattrien.vn
Lê Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *